Những tiêu chí cần nắm rõ để phân loại các cấp nhà ở trong xây dựng

Những tiêu chí cần nắm rõ để phân loại các cấp nhà ở trong xây dựng

23/03/2021 0 Võ Tú 386

Theo quy định của pháp luật, các công trình xây dựng nhà ở cần được phân loại thành các cấp khác nhau. Việc phân loại chúng được thực hiện dựa trên nhiều tiêu chí về quy mô, kết cấu, tuổi thọ, mức độ an toàn,… của công trình. Hiện tại theo quy định, nhà được phân thành 6 cấp, bao gồm: biệt thự, nhà cấp 1, cấp 2, cấp 3, cấp 4 và nhà tạm. Với mỗi cấp nhà ở sẽ có những cơ sở, tiêu chí đặc trưng khác nhau để phân biệt.

Nhà ở được phân thành 6 cấp

Việc phân cấp nhà ở được xem là vô cùng cần thiết bởi nó có mối liên hệ với nhiều khoản mục khác. Có thể kể đến như chi phí xây dựng và sử dụng công trình, các loại thuế nhà đất,… Bên cạnh đó nó còn hỗ trợ trong việc quản lý chất lượng công trình nhà ở, kiểm tra, bảo trì hoặc giải quyết sự cố khi có tình huống rủi ro xảy ra. Đồng thời còn là cơ sở đánh giá cho các nhà đầu tư, nhà thầu xây dựng hoặc gia chủ. Vậy, làm thế nào để có thể phân biệt các cấp nhà ở khác nhau? Hãy khám phá ngay trong bài viết sau đây nhé!

Tại sao phải phân cấp nhà ở?

Phân cấp nhà là đánh giá giá trị ngôi nhà dựa trên chất lượng, kết cấu xây dựng và giá trị sử dụng. Dựa vào đó, nhà ở tại Việt Nam được phân thành 6 cấp độ. Việc phân cấp giúp xác định được giá trị của ngôi nhà. Cơ quan chức năng sẽ căn cứ và giá trị đó để xác định các khoản thuế liên quan phải nộp. Ngoài ra nó còn thể hiện tầm quan trọng về kinh tế, xã hội của công trình và mức độ an toàn cho người và tài sản trong suốt thời gian vận hành, khai thác sử dụng công trình.

Cơ sở phân biệt nhà các cấp

Chắc hẳn bạn đã nghe về biệt thự, nhà cấp 1 2 3 4 và nhà tạm nhưng chưa hiểu rõ cách phân biệt nhà cấp 1 2 3 4 đó như thế nào. Về nguyên tắc, phân loại cấp nhà sẽ căn cứ vào kết cấu chịu lực, niên hạn sử dụng, chất liệu tường bao che, chất liệu tường ngăn, mái ngói, vật liệu hoàn thiện và tiện nghi sinh hoạt. Chính những yếu tố cấu thành này tạo nên sự khác biệt giữa kết cấu các loại nhà và cũng là cơ sở để định giá tính thuế.

Biệt thự

Biệt thự là loại hình thiết kế nhà ở cao cấp, sang trọng. Diện tích rộng lớn và tích hợp nhiều tiện ích hiện đại trong ngôi nhà. Lối thiết kế có khuôn viên sân vườn bao quanh ngôi nhà, rộng rãi, thoáng mát. Thường có hàng rào che chắn kiên cố.

Biệt thự là loại hình thiết kế nhà ở cao cấp nhất

Một số điểm đặc trưng của biệt thự bao gồm:

  • Ngôi nhà riêng biệt, có sân vườn, hàng rào bao quanh;
  • Kết cấu chịu lực khung, sàn, tường bằng bê tông cốt thép hoặc tường gạch;
  • Bao che nhà và tường ngăn cách các phòng bằng bê tông cốt thép hoặc xây gạch;
  • Mái bằng hoặc mái ngói, có hệ thống cách âm và cách nhiệt tốt;
  • Vật liệu hoàn thiện (trát, lát, ốp) trong và ngoài nhà tốt;
  • Tiện nghi sinh hoạt (bếp, xí, tắm, điện nước) đầy đủ tiện dùng, chất lượng tốt;
  • Số tầng không hạn chế, nhưng mỗi tầng phải có ít nhất 2 phòng để ở.

Nhà cấp 1

Trong 4 loại nhà được phân cấp theo quy định, nhà cấp 1 được xem là sang trọng nhất. Thuộc sở hữu của những người thu nhập cao, với định giá lên đến hàng chục tỷ đồng.

Tiêu chuẩn nhà cấp 1

Việc phân loại nhà cấp 1 bao gồm những quy định sau:

  • Kết cấu chịu lực bằng bê tông cốt thép hoặc xây gạch có niên hạn sử dụng quy định trên 80 năm;
  • Bao che nhà và tường ngăn cách các phòng bằng bê tông cốt thép hoặc xây gạch;
  • Mái bằng bê tông cốt thép hoặc lợp ngói, có hệ thống cách nhiệt tốt;
  • Vật liệu hoàn thiện (trát, lát, ốp) trong và ngoài nhà tốt;
  • Tiện nghi sinh hoạt (bếp, xí, tắm, điện nước) đầy đủ, tiện lợi, không hạn chế số tầng.

Nhà cấp 2

Được chăm chút tỉ mỉ từ thiết kế đến chất lượng, nhà cấp 2 đáp ứng yêu cầu thẩm mỹ cao và rất bền bỉ với thời gian. Chi phí xây dựng  tương đương nhà cấp 1. Nhà cấp 2 bị giới hạn diện tích từ 5.000 m2 đến 10.000m2.

Tiêu chuẩn nhà cấp 2

Ngoài ra còn bao gồm các tiêu chí sau:

  • Kết cấu chịu lực bằng bê tông cốt thép hoặc xây gạch có niên hạn sử dụng quy định trên 70 năm;
  • Bao che nhà và tường ngăn cách các phòng bằng bê tông cốt thép hoặc xây gạch;
  • Mái bằng bê tông cốt thép hoặc mái ngói bằng Fibroociment;
  • Vật liệu hoàn thiện trong ngoài nhà tương đối tốt;
  • Tiện nghi sinh hoạt đầy đủ. Số tầng không hạn chế.

Nhà cấp 3

Nhà cấp 3 là loại nhà ở phổ biến nhất hiện nay. Nhà cấp 3 có kết cấu bền bỉ với sự kết hợp hài hòa giữa bê tông cốt thép và gạch. Thời hạn sử dụng là 40 năm.

Nhà cấp 3

Các cơ cở phân loại nhà cấp 3:

  • Kết cấu chịu lực kết hợp giữa bê tông cốt thép và xây gạch hoặc xây gạch. Niên hạn sử dụng trên 40 năm;
  • Bao che nhà và tường ngăn bằng gạch;
  • Mái ngói hoặc Fibroociment;
  • Vật liệu hoàn thiện bằng vật liệu phổ thông.
  • Tiện nghi sinh hoạt bình thường, trang bị xí, tắm bằng vật liệu bình thường. Nhà cao tối đa là 2 tầng.

Nhà cấp 4

Theo khái niệm truyền thống, nhà cấp 4 là loại nhà với chi phí thấp thất trong 4 loại nhà. Thời hạn sử dụng của nhà thường chỉ là 30 năm.

Nhà cấp 4 mái thái

Nhà cấp 4 có những đặc điểm sau:

  • Kết cấu chịu lực bằng gạch, gỗ. Niên hạn sử dụng tối đa 30 năm;
  • Tường bao che và tường ngăn bằng gạch (tường 22 hoặc 11cm);
  • Mái ngói hoặc Fibroociment;
  • Vật liệu hoàn thiện chất lượng thấp;
  • Tiện nghi sinh hoạt thấp.
  • Mẫu nhà cấp 4 theo phong cách hiện đại
  • Một mẫu nhà cấp 4 theo phong cách hiện đại

Nhà tạm

Nhà tạm là công trình xây dựng mang tính chất “tạm bợ”, nhất thời nên thường không được đầu tư về vật liệu xây dựng và thiết kế.

Nhà tạm không được đầu tư về vật liệu và thiết kế

Dưới đây là một số điểm đặc trưng của nhà tạm:

  • Kết cấu chịu lực bằng gỗ, tre, vầu;
  • Bao quanh toocxi, tường đất;
  • Lợp lá, rạ;
  • Những tiện nghi, điều kiện sinh hoạt thấp.

Các căn cứ để phân cấp nhà

Trên thực tế, các nhà xây dựng thường không tuân theo những tiêu chuẩn quy định trên đây. Do vậy, mỗi cấp nhà lại chia ra thành 2 hoặc 3 hạng dựa theo những căn cứ sau:

  • Đạt 4 tiêu chuẩn đầu với biệt thự và 3 tiêu chuẩn đầu của nhà cấp 1, 2, 3, 4 thì được xếp vào hạng 1;
  • Nếu đạt ở mức 80% so với hạng 1 thì xếp vào hạng 2;
  • Nếu đạt từ dưới 70% so với hạng 1 thì xếp vào hạng 3;
  • Riêng nhà tạm không phân hạng.

Những thông tin trên hy vọng đã giúp các bạn hiểu được cách phân biệt nhà cấp 1 2 3 4 và đặc điểm tiêu chuẩn nhà trong xây dựng ứng với từng cấp. Việc tìm hiểu những thông tin trên sẽ giúp cho bạn chủ động hơn trong việc quản lý chi phí xây dựng sao cho hiệu quả. Ngoài ra, bạn có thể tham khảo thêm nhiều thông tin, kiến thức xây dựng cùng những kiến thức hữu ích khác trong website này.

Nguồn: batdongsan.com.vn