Kiến trúc cổ xưa: những công trình bí ẩn

Kiến trúc cổ xưa: những công trình bí ẩn

23/03/2021 Off Đinh Vân 471

Được xây dựng trong tự nhiên mà không có sự hỗ trợ của máy móc, tuy nhiên có nhiều công trình đồ sộ, nguy nga. Những kiến trúc bí ẩn, cổ kính nguy nga, uy nghi luôn khiến nhiều người si mê, thắc mắc. Các nhà khoa học cũng không hiểu nổi người cổ đại đã xây dựng chúng ra sao. 

Trong nhiều thế kỷ, các nhà khoa học đã tìm kiếm câu trả lời cho những câu hỏi về vấn đề này. Ai tạo ra chúng? Chúng được tạo ra như thế nào? Làm sao khiến các kiến trúc ấy vừa đồ sộ vừa nguy nga đến thế? Nhiều giả thuyết khác nhau đã được đưa ra, thậm chí có người còn cho rằng đây là tác phẩm của các thế lực siêu nhiên từ bên ngoài trái đất. Tuy nhiên, không ai có thể giải đáp chính xác vấn đề này. Cả thế giới chỉ biết ngưỡng mộ những kỳ quan như vậy năm này qua năm khác.

Nếu bạn cũng có hứng thú muốn khám phá các công trình này thì hãy tìm hiểu top 10 kiến trúc cổ sau đây. Những kỳ quan này thực sự là bí ẩn sẽ còn khiến con người thắc mắc lâu dài.

Kim tự tháp – kỳ quan bí ẩn của thế giới

Kim tự tháp Ai Cập

Danh sách các kỳ quan kiến ​​trúc của thế giới cổ đại sẽ không được hoàn chỉnh nếu ta không nhắc đến các Kim tự tháp nổi tiếng ở Ai Cập. Kim tự tháp Ai Cập là các công trình cổ đại hình chóp bằng đá ở Ai Cập. Có tất cả 138 kim tự tháp đã được khám phá ở Ai Cập tính đến năm 2008. Hầu hết đóng vai trò là lăng mộ cho các Pharaoh và hoàng hậu trong hai thời kỳ Cổ vương quốc và Trung vương quốc.

Djoser – kim tự tháp lâu đời nhất trong số các Kim tự tháp, ước tính được xây dựng vào khoảng năm 2630 TCN. Kim tự tháp này cũng như khu phức hợp xung quanh đều do tể tướng Imhotep thiết kế nhằm mục đích chôn cất pharaoh Djoser thuộc Vương triều thứ Ba. Cho đến ngày nay, các chuyên gia vẫn chưa thể đưa ra kết luận chắc chắn để giải thích cách người Ai Cập cổ đại xây dựng những tòa tháp hoàn hảo này bằng cách nào mà không sử dụng sức mạnh của các thiết bị hay máy móc. Người ta cho rằng có khoảng 100.000 nô lệ đã làm việc trong nhiều năm để xây dựng những ngôi mộ khổng lồ, bí ẩn này.

Cầu dẫn nước La Mã hiện đại

Cầu dẫn nước La Mã

Trong danh sách các kỳ quan kiến trúc của thế giới cổ đại chúng ta cũng không thể bỏ qua các hệ thống cống được xây dựng bởi người La Mã cổ đại vào khoảng năm 145 TCN. Nó được sử dụng để cung cấp nước cho Đế chế La Mã. Cầu dẫn nước hoặc Cầu máng (Aqueduct (a-kwe-,dekt) theo tiếng Anh hoặc Aqueduc theo tiếng Pháp, từ aquaeductus theo tiếng Latinh) là một hệ thống dẫn và cung cấp nước.

Vào thời kỳ cổ đại, người xưa sử dụng những phương thức như cầu, hoặc cầu cạn, để đưa nước vượt một quãng đường trên không trung (thường là băng qua một thung lũng). Thời hiện đại, chúng ta sử dụng những hệ thống ống dẫn, rãnh, kênh đào, đường hầm… để phục vụ cho mục đích này. Những cầu dẫn nước lớn thậm chí còn được dùng để lưu chuyển thuyền bè. Từ Aqueduct bắt nguồn từ tiếng Latin aqua (nước) và ducere (nghĩa là dẫn đi).

Điều gì làm chúng trở nên đặc biệt và hấp dẫn đến thế? Câu trả lời đó là các cổng chỉ hoạt động dựa trên trọng lực. Đây là một trong những ví dụ sớm nhất về kỹ thuật và khá ấn tượng ở thời điểm đó. Nhiều hệ thống dẫn nước vẫn còn nguyên cho đến ngày hôm nay, một số vẫn còn nhìn thấy được ở dạng tương tự như hàng ngàn năm trước.

Khu khảo cổ Petra

Khu khảo cổ Petra

Petra là một khu vực khảo cổ học ở phía Tây Nam Jordan, nằm trên sườn núi Hor, trong một lòng chảo nằm giữa những ngọn núi tạo nên sườn phía Đông của Arabah (Wadi Araba), một thung lũng lớn chạy từ Biển Chết đến Vịnh Aqaba.

Nơi này nổi tiếng vì sở hữu rất nhiều bức tượng được tạc trên vách đá. Khu vực được che giấu trong một thời gian rất dài này được công bố cho thế giới Tây phương bởi một nhà thám hiểm người Thuỵ Sĩ, Johann Ludwig Burckhardt, vào năm 1812. Nó cũng được công nhận như “một thành phố hoa hồng đỏ với tuổi đời bằng một nửa độ dài của thời gian” trong một bài thơ sonnet đạt giải thưởng Newdigate của John William Burgon. Burgon thực sự chưa đến thăm Petra, nơi mà người Âu Châu chỉ có thể tiếp cận với sự trợ giúp của hướng dẫn viên địa phương và đội hộ tống có vũ trang sau khi Thế Chiến thứ Nhất kết thúc.

Khu vực này được công nhận là di sản thế giới của UNESCO năm 1985 và được mô tả là “một trong những tài sản văn hoá quý giá nhất của nhân loại”. Đến giờ, người ta chưa phát hiện được lịch sử của Petra bắt đầu từ khi nào, phỏng đoán là 1550 đến 1292 TCN trong thời triều đại thứ 18 của Ai Cập. Các chứng cứ cho thấy thành phố này được xây dựng tương đối muộn, mặc dù một khu thánh địa có thể đã tồn tại ở nơi này từ thời cổ đại. Khu vực này là nơi sinh sống truyền thống của người Horites, có thể là những người cư trú trong hang động, tổ tiên của người Edomites.

Giếng bậc thang Chand Baori

Giếng bậc thang Chand Baori

Chand Baori (tiếng Hindu: चाँद बावड़ी, dịch tiếng Việt: giếng Mặt Trăng hoặc giếng Bạc) là một giếng bậc thang cổ ở làng Abhaneri, huyện Dausa, bang Rajasthan, Cộng hòa Ấn Độ.

Giếng Mặt Trăng có lịch sử xây dựng hơn 1200 năm (khoảng từ thế kỷ VIII), cổ xưa nhất của Rajasthan, là một trong những giếng bậc thang cổ xưa nhất của Ấn Độ và còn có thể được coi là một trong những giếng bậc thang lớn nhất và sâu nhất thế giới, một địa điểm thu hút du khách tham quan, du lịch ở miền Tây tiểu lục địa.

Theo truyền thuyết tại ngôi làng Abhaneri ở Rajasthan, Ấn Độ, giếng Chand Baori được xây dựng bởi những hồn ma vào khoảng thế kỷ thứ 10. Cách giải thích này nghe có vẻ hoang đường nhưng dường như không có bất kỳ lời giải thích nào khác về việc bước ra đời được thiết kế hoàn hảo như thế này. Vào khoảng năm 900 sau Công nguyên, Vua Chanda đã cho xây dựng công trình này để giải quyết vấn đề hạn hán của khu vực.

Giếng cao khoảng 13 tầng, được đào thành hình chữ V khoảng hơn 30 m dưới bề mặt trái đất, với ước tính khoảng 3.500 bậc thang được san bằng hoàn hảo, vua Chanda đã dành nó cho Nữ thần Niềm vui và Hạnh phúc, Hashat Mata, sau khi hoàn thành. Chi tiết về cấu trúc ấn tượng của nó đến nay vẫn còn là một bí ẩn đối với các nhà khoa học.

Đền thờ cự thạch của Malta

Đền thờ cự thạch của Malta 2

Các đền thờ cự thạch của Malta (tiếng Malta: It-Tempji Megalitiċi ta’ Malta) là quần thể bao gồm các đền thờ thời tiền sử, một số trong đó đã được UNESCO công nhận là Di sản thế giới. Chúng được xây dựng trong ba giai đoạn khác nhau từ giữa năm 3.600 TCN cho đến năm 700 TCN. Đây từng được coi là những cấu trúc đứng tự do lâu đời nhất trên Trái đất cho đến khi Göbekli Tepe được phát hiện ra.

Các nhà khảo cổ học tin rằng, những quần thể đền thờ cự thạch này là kết quả của sự đổi mới ở địa phương trong quá trình tiến hóa văn hóa. Điều này dẫn đến việc xây dựng một số ngôi đền thuộc giai đoạn Ġgantija (từ năm 3.600 – 3.000 TCN), đỉnh cao là quần thể đền thờ Tarxien lớn vẫn được sử dụng cho đến năm 2.500 TCN. Sau khoảng thời gian này, văn hóa xây dựng đền thờ dần biến mất.

Cũng trong thời kỳ này, việc xây dựng đền thờ là vô cùng quan trọng và mỗi công trình kiến ​​trúc đều là sự cải tiến so với công trình trước đó. Một số nhà khảo cổ học tin rằng những ngôi đền – được mô tả là những tòa nhà tự do lâu đời nhất trên thế giới – được xây dựng để thờ các vị thần.

Lạc Sơn Đại Phật 

Lạc Sơn Đại Phật

Lạc Sơn Đại Phật còn được gọi là Lăng Vân Đại Phật hay Gia Định Đại Phật, là tượng Phật bằng đá cao nhất thế giới. Bức tượng Phật này được tạc vào vách đá Thê Loan của núi Lăng Vân, nằm ở chỗ hợp lưu của ba con sông là Dân Giang, Đại Độ và Thanh Y ở miền nam tỉnh Tứ Xuyên của Trung Quốc, cách địa cấp thị Lạc Sơn khoảng 3 km về phía đông. Bức tượng đá đối mặt với núi Nga Mi và dòng sông chảy dưới chân của Phật.

Nguồn gốc xây dựng

Người khởi xướng kiến tạo Lạc Sơn Đại Phật là Hòa thượng Hải Thông, một nhà sư của Lăng Vân Tự trên núi Lăng Vân. Một ngày nọ, hòa thượng Hải Thông đứng trên núi, nhìn xuống nơi hội tụ của ba con sông (Mân Giang, Đại Độ, Thanh Y), thế nước hung hãn chảy xiết như thiên binh vạn mã, đập vào vách núi như muốn thét muốn gào.

Thuyền bè qua lại nơi đây thường xuyên gặp tai ương. Hòa thượng đã phát nguyện xây dựng tượng Phật, hy vọng sức mạnh của Phật pháp vô biên sẽ thu phục được thủy quái, bảo vệ bình an cho người dân và thuyền bè qua lại.

Tạm dừng công trình xây dựng

Khi bức tượng được thực hiện xong một nửa thì Hòa thượng Hải Thông viên tịch. Do đó công trình buộc phải ngừng lại. Mười năm sau, tiết độ sứ Kiếm Nam Tây Châu là Trương Cừu Kiêm Quỳnh đã quyên góp 200 ngàn lượng vàng. Nhờ đó mọi người có thể tiếp tục công trình.

Công trình vĩ đại cũng cần lượng kinh phí lớn. Triều đình đã đặc biệt ban thưởng cho địa phương khoản thuế dầu gai sung làm kinh phí tạc tượng Phật. Khi tạc tới đầu gối của pho tượng, Trương Cừu Kiêm Quỳnh được bổ nhiệm làm Thượng thư bộ hộ. Ông phải vào kinh nhậm chức. Vì vậy công trình tôn tạo Đại Phật lại một lần nữa buộc phải dừng lại.

Hoàn thành kiến trúc

Mãi tới năm Trinh Nguyên thứ tư thời Đường Đức Tông (năm 788), công trình mới tiếp tục. Vi Cao làm tiết độ sứ Tây Châu cho triệu tập thợ đá và quyên góp tiền bạc. Với sự nỗ lực của 3 thế hệ, sau hơn 90 năm, cuối cùng Lạc Sơn Đại Phật cũng được hoàn thành. Tượng có áo cà sa lộng lẫy cùng với dáng vẻ uy nghiêm tỏa ánh kim huy hoàng.

Kiến trúc

Với chiều cao 71m, bức tượng mô tả Phật Di Lặc đang ngồi với hai tay đặt trên đầu gối. Thân của tượng Phật cao 59,98 m, đầu cao 14,7m, rộng 10m, mắt rộng 3,3m, mũi dài 5,6m, miệng rộng 3,3m, tai dài 7m, cổ cao 3m, vai rộng 28m, thân thể rộng 28,5m, chân dài 10,3m, rộng 9m. Đỉnh đầu có 1.021 búi tóc và móng tay nhỏ nhất cũng đủ lớn để có thể đủ cho một người ngồi vào. Hai bên tượng Phật có hai hộ pháp, cao khoảng 16m, rộng khoảng 6m, thân mặc chiến bào, tay cầm pháp khí.

Khu Vực Nga Mi sơn với phong cảnh đẹp, bao gồm cả khu vực có Lạc Sơn Đại Phật đã được liệt kê trong danh sách của UNESCO như là di sản thế giới kể từ ngày 6 tháng 12 năm 1996.

Saksaywaman ở Peru

Saksaywaman ở Peru

Saksaywaman là một trong những tàn tích Inca tuyệt vời nhất nằm ở vùng ngoại ô phía bắc của thành phố cổ Cusco (Peru), cố đô của đế chế Inca. Saksaywaman được xây dựng như một pháo đài, khu liên hợp bao phủ cả một khu vực rộng lớn, nhưng có lẽ những gì còn sót lại mà chúng ta được nhìn thấy hiện nay chỉ chiếm 1/4 khu liên hợp ban đầu, một nơi có thể chứa hơn 10.000 người. Những bức tường bên ngoài được xây dựng một cách đáng kinh ngạc, trong một mô hình ngoằn ngoèo nằm ở ba cấp bậc khác nhau.

Bí ẩn xây dựng

Một số viên đá được sử dụng để tạo nên pháo đài này nặng tới 200 tấn. Thật kinh ngạc khi biết rằng cấu trúc này được xây dựng thậm chí trước cả Đế chế Inca. Đó là khoảng năm 900 sau Công nguyên đến năm 1200 sau Công nguyên. Điều ấn tượng hơn nữa là việc cắt những viên đá này để vừa khít với nhau một cách chặt chẽ. Nó giúp giữ cho các bức tường tồn tại trong nhiều thế kỷ. Thực sự họ đã không cần sử dụng vữa phức tạp. Đây là bí ẩn mà không ai có thể giải đáp. Ngày nay, dù máy móc hiện đại thì điều này vẫn khó có thể thực hiện.

Lịch sử hình thành

Saksaywaman được đồn là được xây dựng bởi những người mang đá từ một mỏ đá cách xa. Mỗi viên đá được buộc vào dây và kéo đến đích cuối cùng của nó. Công trình xây dựng ấn tượng đã tạo suy nghĩ nó được làm từ ma quỷ. Khi người Tây Ban Nha xâm lược và chiếm lấy Cusco vào giữa những năm 1500, họ đã nghĩ vậy. Suy nghĩ đó khiến họ sợ hãi. Đến nỗi việc phá bỏ ngôi đền đã được ra lệnh. Nhưng may mắn, ngôi đền vẫn còn lại. Phần lớn trong số đó vẫn còn nguyên vẹn cho đến ngày nay. Lý do vì người Tây Ban Nha không thể di chuyển tất cả những viên đá nặng như thế.

Đền Parthenon

Đền Parthenon

Parthenon là một ngôi đền thờ thần Athena, được xây dựng vào thế kỷ 5 TCN ở Acropolis. Đây là công trình xây dựng nổi tiếng nhất còn lại của Hy Lạp cổ đại Nó đã được ca ngợi như là thành tựu của kiến trúc Hy Lạp. Các điêu khắc trang trí của ngôi đền bằng đá cẩm thạch (marble) trắng được. Nó được coi như đỉnh cao của nghệ thuật Hy Lạp cổ đại. Đền Parthenon là biểu tượng của sự kết thúc Hy Lạp cổ đại và của nền dân chủ Athena. Đền được đánh giá như là một trong những công trình văn hóa vĩ đại nhất thế giới.

Phục vụ cho chiến tranh

Đền Parthenon cũng được thay thế một đền thờ Athena cũ hơn. Ngôi đền trước đã bị huỷ hoại bởi Đế chế Ba Tư vào năm 480 TCN. Giống như các ngôi đền Hy Lạp khác, Parthenon đã được sử dụng như là một kho tàng. Nó cũng phục vụ cho liên minh Delian. Liên minh sau này trở thành Đế chế Athena.

Sử dụng như nhà thờ Kito giáo

Vào thế kỷ 6 sau Công nguyên, đền Parthenon được chuyển sang thành nhà thờ Kitô giáo. Nó được thiết kế để tôn kính Đức Mẹ Đồng trinh. Sau cuộc xâm chiếm của Thổ Nhĩ Kỳ, công trình lại được chuyển sang thành nhà thờ Hồi giáo. 

Đền thờ bị bốc cháy

Vào năm 1687, một kho quân trang đạn dược của Thổ Nhĩ Kỳ trong đền bị bốc cháy. Kết quả của vụ nổ này đã làm hỏng đền Parthenon và những điêu khắc của nó. Vào thế kỷ 19, Thomas Bruce đã tháo dỡ một vài điêu khắc còn sót lại và mang đến Anh. Những tác phẩm đó là Elgin Marbles hay Parthenon Marbles. Chúng được trưng bày trong Viện Bảo tàng Anh. Cuộc tranh luận về việc Elgin Marbles cần phải được mang trả lại Hy Lạp vẫn còn đang tiếp diễn.

Các nhà khoa học hiện đại đã thừa nhận rằng không thể tái hiện công trình. Dù cho Parthenon là tòa nhà được sao chép nhiều nhất trong lịch sử. Dù vào thời đại công nghệ hiện đại và các kỹ thuật kiến trúc ngày nay thì việc đó vẫn bất khả thi.

Đền Parthenon ở Acropolis, là một trong những địa điểm khảo cổ học. Đây là nơi có nhiều khách du lịch đến tham quan nhất. Bộ Văn hóa Hy Lạp hiện nay đang tiến hành một chương trình bảo tồn và khôi phục công trình.

Borobudur ở Indonesia

Borobuadur ở Indonesia

Borobudur, Barabodur hay Ba La Phù đồ là một ngôi đền Phật giáo ở Java. Đền có niên đại từ thế kỷ thứ 9 toạ lạc ở Magelang, miền trung Java, Indonesia. Đây là một trong những ngôi đền cũng như di tích Phật giáo lớn nhất thế giới. Ngôi đền có chín tầng, xếp chồng lên nhau. Chín tầng bao gồm sáu vuông, ba tròn và trên cùng là một mái tròn. Ngôi đền được trang trí bằng 2672 tấm phù điêu chạm khắc nổi. Đền có 504 pho tượng Phật. Mái vòm trên cùng được bao quanh bởi 72 pho tượng Phật. Mỗi tượng được đặt trong một phù đồ.

Lịch sử hình thành

Đền được xây dựng vào thế kỷ thứ 9 dưới triều đại Sailendra. Phong cách đền là kiến trúc Phật giáo Java. Trong đó cũng có pha trộn với tục thờ cúng tổ tiên của người Indonesia và Niết-bàn của Phật giáo. Ngôi đền cũng cho thấy sự ảnh hưởng của phong cách Gupta. Nó phản ánh ảnh hưởng của Ấn Độ trong khu vực, nhưng vẫn mang đặc trưng Indonesia.

Ngôi đền là nơi hành hương cho tín đồ Phật giáo. Cuộc hành trình của Phật tử bắt đầu từ nền đền rồi đi vòng quanh để lên đến đỉnh Sau đó họ đi qua ba khu vực mô tả khái niệm tam giới vũ trụ của Phật giáo. Đó là Kāmadhātu (Dục giới), Rupadhatu (Sắc giới) và Arupadhatu (Vô sắc giới). Trên đường lên đến đỉnh ngôi đền, khách hành hương sẽ đi qua một hệ thống cầu thang và hành lang rộng lớn. Họ đi qua 1460 tấm chạm khắc trên tường và lan can. Đền Borobodur là nơi có tập hợp phù điêu chạm khắc lớn nhất và đầy đủ nhất thế giới.

Trùng tu nhiều lần

Bằng chứng đã cho thấy Borobodur đã được xây dựng từ thế kỷ thứ 9. Côn trình bị bỏ rơi sau sự suy tàn của các vương quốc Ấn giáo ở thế kỷ 14. Một nguyên nhân nữa là do người Java cải sang đạo Hồi. Thế giới bên ngoài chỉ biết được về sự tồn tại của nó vào năm 1814. Khi đó, toàn quyền người Anh trên đảo Java, Sir Thomas Stamford Raffles được chỉ địa điểm. Kể từ đây, Borobodur đã trải qua nhiều đợt trùng tu. Các lần lớn nhất là vào năm 1975 và 1982 được thực hiện bởi chính phủ Indonesia và UNESCO. Sau đó, ngôi đền đã được liệt kê vào danh sách Di sản Thế giới.

Ngày nay, Borobodur vẫn được sử dụng như là địa điểm hành hương. Mỗi năm một lần, Phật tử tại Indonesia lại tổ chức Đại lễ Phật đản tại ngôi đền. Ngoài ra, đây là địa điểm thu hút nhiều khách du lịch nhất của Indonesia.

Jupiter ở Lebanon

Jupiter ở Lebanon

Ngôi đền nằm trên một bục đá rộng hơn 7m. Đây là khu bảo tồn La Mã cổ đại lớn nhất. Cho tới nay, người thiết kế ngôi đền và thời điểm xây dựng công trình này vẫn là ẩn số. Ngôi đền có thể bắt đầu xây dựng vào khoảng năm 16 trước Công nguyên. Nó gần hoàn thành vào khoảng năm 60 sau Công nguyên.

Tuy nhiên, để tạo ra quần thể đền thờ khổng lồ này, con người đã phải mất 3 thế kỷ xây dựng. Vào năm 524 – 525, sét đã phá hủy tòa nhà. Sau đó, hoàng đế Justinian (trị vì từ năm 527 – 565) bắt đầu gỡ bỏ các cột đá granit. Khi các cuộc thập tự chinh (chiến tranh tôn giáo) diễn ra, những viên đá được tái sử dụng để làm pháo đài.

Một ngôi đền thuộc quần thể kiến trúc cổ tại Lebanon là tàn tích của thành phố cổ xưa. Vẫn còn nhiều câu hỏi chưa giải được xung quanh các ngôi đền cổ như vậy. Người La Mã cổ đại không có kỹ thuật nào hiện đại. Làm sao họ mang vác những khối đá 1.000 tấn và xây nên ngôi đền khổng lồ này.

Ngôi đền thờ Athenian Parthenon ở Hy Lạp có kích thước không lớn. Nó chỉ bằng một nửa so với ngôi đền khổng lồ này của Lebanon. Khối đá lớn nhất ở Kim tự tháp Ai Cập chỉ nặng 90 tấn. Nhiều người bản địa tin rằng ngôi đền chính là nền móng của ngọn tháp Babel vĩ đại trong Kinh Thánh.

Nguồn: Kienviet.net